Cuộc đời Ngô Chi Lan

Ngô Chi Lan, người làng Phù Lỗ (tục gọi làng Sọ), huyện Kim Hoa (sau đổi là Kim Anh), trấn Kinh Bắc. Vùng đất này trước đây gọi là xã Phù Lỗ, huyện Kim Anh, tỉnh Phúc Yên; từ năm 1978 đến nay đổi thành huyện Sóc Sơn, thuộc ngoại thành Hà Nội.

Tương truyền, Ngô Chi lan là cháu gái của Ngô Thị Ngọc Dao, là Tiệp dư của Lê Thái Tông. Khi người cô này được tuyển vào cung, lúc ấy Ngô Chi Lan tuổi hãy còn nhỏ nhưng cũng được đi theo hầu. Đến khi Ngô Tiệp dư mang thai, trong nội cung xảy ra lắm chuyện lục đục, Nguyễn TrãiNguyễn Thị Lộ phải đưa Ngô Tiệp dư đi trốn, thì Ngô Chi Lan cũng được vợ chồng này đem về cho ở trong nhà, nhận làm con nuôi, cải thành họ Nguyễn và đổi tên là Hạ Huệ (夏慧).

Năm 1442, bị vu tội trong Vụ án Lệ Chi Viên, cha mẹ nuôi phải nhận án tử hình. Ngô Chi Lan liền cải dạng, đổi lại tên thật, trốn đi ở nhiều nơi, cho đến khi Lê Thánh Tông lên ngôi, bà mới dám trở về[3].

Bà nổi tiếng đẹp người, đẹp nết, giỏi thi ca, thông hiểu âm nhạc và viết chữ đẹp. Chính vì vậy, mà bà được Quang Thục Hoàng thái hậu yêu chiều và vua Lê Thánh Tông mến mộ lắm, ban hiệu là Kim Hoa nữ học sĩ (金華女學士); cho dự nhiều cuộc xướng họa thơ văn, và cho bà đảm đương việc dạy lễ nghi và văn chương cho các cung nhân.

Chồng của bà là Phù Thúc Hoành (苻儵閎), người làng Phù Xá, tuy không đỗ đạt, nhưng nhờ tài văn chương, ông được cử làm Giáo thụ (教授) chuyên giảng Kinh Dịch ở trường Quốc Tử Giám, sau chuyển sang Viện Hàn lâm, thụ chức Đông các Đại học sĩ (東閣大學士). Hiện ông còn hai bài thơ chữ Hán được chép trong Trích diễm thi tập của danh sĩ Hoàng Đức Lương. Buổi ấy, vợ chồng bà kết giao với nhiều bạn thơ ở chốn kinh kỳ và thường tổ chức những buổi gặp gỡ bình luận văn chương. Tuy nhiên do danh tiếng của Ngô Chi Lan vang xa, mà Phù Thúc Hoành vốn xuất thân hàn vi, không đỗ đạt, nên nhiều người làm câu thơ có ý mỉa mai hai người rằng:

"Ông tơ lắm nỗi đa đoan

Xe tơ lại khéo vơ quàng, vơ xiên."

Họ than rằng đẹp người, đẹp nết như Ngô Chi Lan mà qua mai mối lại lấy phải anh chồng quê mùa, dốt nát tên là Phù Thúc Hoành, người làng Phù Xá cùng huyện. Mặc cho miệng lưỡi thiên hạ, Ngô Chi Lan không bận tâm mà vẫn một lòng yêu thương chồng, làm hết phận sự của một người vợ. Ngày ngày bà đóng cửa dạy chồng học, khuyên chồng cố gắng phấn đấu để cho mọi người thấy, nếu kiên trì nhẫn nại thì việc gì cũng có thể làm được. Nhờ sự hết lòng ấy, mà ông Phù ngày càng học hành tấn tới, mới có cơ hội được cử làm Giáo thụ và Đông các Đại học sĩ. Sau này Phù Thúc Hoành trở thành một hiền giả, một đại học sĩ có tiếng, hoàn toàn đủ tư cách sánh đôi với nữ sĩ tài năng Ngô Chi Lan.

Nữ sĩ Ngô Chi Lan mất năm Đinh Tỵ (1497). Để tỏ lòng tiếc thương và ngưỡng mộ bà, nhân dân Phù Lỗ đã dựng đền thờ với tên đề "Kim Hoa nữ học sĩ". Ngôi đền đó hiện nay được đặt ngay trên nền nhà ở ngày xưa của gia đình nữ sĩ.